Bác sĩ cho em hỏi để biết người phụ nữ có bị vô sinh hay không thì cần kiểm tra những gì? Em đang rất lo lắng vì vợ chồng em kết hôn đã 3 năm mà chưa có "tin vui". Chúng em cũng đã đi khám ở một vài nơi nhưng bác sĩ đều kết luận cả hai khỏe mạnh. Có một điều em thấy là ở đâu các bác sĩ cũng tiến hành khám rất nhanh. Em không biết như vậy đã đủ các thủ tục khám cần thiết chưa. Có khi nào vợ chồng em bị trục trặc gì đó mà các bác sĩ chưa phát hiện ra hay không?
Em rất muốn biết những thủ tục khám vô sinh nữ bao gồm những gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (Mabu)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Mabu thân mến,
Nếu vợ chồng bạn đã có quan hệ tình dục liên tục trong vòng 3 năm, không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không thụ thai thì tức là vợ chồng bạn đã bị hiếm muộn. Để biết một trong hai người (hoặc cả hai) có bị vô sinh hay không thì vợ chồng bạn nên tới các cơ sở y tế có uy tín, đúng chuyên môn để được khám cẩn thận và phát hiện bệnh.
Thông thường, để kiểm tra các nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh ở một người phụ nữ, các bác sĩ sẽ lưu ý và tiến hành làm các thủ tục sau:
Ảnh minh họa
1. Kiểm tra kháng thể chống tinh trùng: Trên thực tế, một số phụ nữ vốn "sở hữu" chất kháng nguyên tinh trùng ở tử cung. Loại kháng thể này có thể làm phân tán hoặc tiêu diệt tinh trùng (tinh trùng cứ vào tử cung là bị kháng thể này tiêu diệt) nên gây khó khăn cho việc thụ thai.
2. Kiểm tra ống dẫn trứng: Nếu ống dẫn trứng bị tắc, suy thoái... thì con đường di chuyển của tinh trùng vào gặp trứng cũng gặp khó khăn, hoặc ngay cả khi trứng đã thụ tinh cũng khó di chuyển về tử cung, có thể gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung. Các bác sĩ sẽ siêu âm tử cung phần phụ để quan sát tình hình toàn bộ tử cung và ống dẫn trứng.
3. Kiểm tra hormone: Chủ yếu là xác định hormone ở tuyến yên: gonadotropin và prolactin. Các hormone này có nhiệm vụ kích thích nang trứng và tạo ra hoàng thể. Khi các hormone này bị thay đổi bất thường sẽ ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng dẫn đến vô sinh. Phụ nữ trong độ tuổi mang thai nếu mắc bệnh mỡ máu thì prolactin tăng cao có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều, tắc kinh, vô kinh và vô sinh.
4. Soi tử cung: Soi tử cung có tác dụng xác định chính xác tình hình bên trong tử cung người phụ nữ, ví dụ như phát hiện buồng tử cung có bị dính hay không, có u xơ dưới niêm mạc, polip, dị dạng tử cung hay không... Tất cả các dị dạng này đều có thể là những nguyên nhân dẫn đến bệnh vô sinh.
5. Kiểm tra vùng chậu: Nếu bệnh nhân kiểm tra các mục trên đều bình thường thì phải tiến hành thêm một bước nữa đó là kiểm tra tổng quan vùng chậu. Bác sĩ sẽ trực tiếp quan sát tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng để xem có bất thường hoặc bị dính vào nhau hay không...
6. Kiểm tra rụng trứng: Người phụ nữ bình thường sẽ rụng trứng hàng tháng vào một ngày nhất định, nhưng cũng có những chị em không có hiện tượng rụng trứng hoặc rụng trứng trong nước tiểu... Điều này cũng gây khó khăn trong việc thụ thai.
Bạn có thể tham khảo thêm các thủ tục khám, xét nghiệm khác trong những lần đi khám phụ khoa, hiếm muộn bằng cách hỏi trực tiếp các bác sĩ thực hiện cho mình. Trao đổi với bác sĩ cũng là cách hữu ích giúp bạn hiểu hơn về sức khỏe sinh sản của chính mình.
Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé!
Theo SK&ĐS
|