Thông qua danh sách bệnh viện cung cấp, chúng tôi đã tìm gặp anh T.T.H. (40 tuổi, quận 2). Anh H. cho biết, là kĩ sư tin học đang làm việc tại một công ty có tiếng tại quận 3. Lúc còn nhỏ, anh bị bệnh quai bị biến chứng nặng nên không có khả năng sản xuất tinh trùng.
Nhiều ông bố vui mừng khi có con
Đến tuổi trưởng thành, anh cũng yêu một vài cô gái nhưng khi biết anh không có khả năng sinh con thì người yêu đều “rút êm”. Đến mối tình thứ năm, anh cảm thấy chán nản, sợ bị tổn thương vì bị “đá” nên đành khép chặt trái tim.
Năm 32 tuổi, một cô đồng nghiệp thua anh 4 tuổi có cảm tình. Trong những lúc trò chuyện, anh thừa nhận mình không có khả năng sinh con. Thế nhưng, thấy anh tốt tính, cô gái này vẫn không ngại ngần yêu rồi tiến đến hôn nhân.
Vào năm 2013, vợ chồng anh H. nghe tin ở bệnh viện này có thể can thiệp kĩ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ các mô tinh hoàn rồi bơm vào trứng, thụ tinh trong ống nghiệm nên đã tìm đến. Rất may mắn, sau một khoảng thời gian “gắn kết” với bệnh viện, vợ anh đã mang thai và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.
Anh D. (34 tuổi, quận 1) cũng bị bệnh quai bị. Anh lủi thủi đến các phòng khám nam khoa khám và nhận được kết luận khả năng sinh tinh yếu, không thể có con. Anh buồn, thừa nhận chuyện này với người yêu và nhẹ nhàng bảo: “Nếu em cảm thấy tương lai không thể hạnh phúc thì em ra đi anh cũng chấp nhận”. Tuy nhiên, tình cảm của người yêu dành cho anh vẫn không hề thay đổi. Sau đó không lâu, cả hai kết hôn trước sự vui mừng của người thân.
Sau khi cưới, lắm lúc, anh D. cảm thấy có lỗi với vợ vì không thể cho cô ấy một đứa con. Bên cạnh đó, hai vợ chồng cũng tìm hiểu khá kĩ về các phương thức sinh con trong ống nghiệm. Bảy năm trôi qua, mới đây, vợ anh động viện chồng đến bệnh viện để khám với hy vọng mong manh kiếm một đứa con.
“Tôi không thể ngờ, may mắn đã mỉm cười với gia đình nhỏ của mình. Nhờ vào sự tận tình của cán bộ y bác sĩ tại bệnh viện mà vợ đã mang thai. Chỉ vài tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ chào đón đứa con đầu lòng. Từ lâu rồi, tôi cứ nghĩ niềm vui này sẽ không bao giờ đến với mình. Thế nhưng, không ngờ lời cầu nguyện của chúng tôi đã được chấp nhận”, anh D. bật khóc chia sẻ.
Riêng anh Tr. (35 tuổi, quận 3) lại rơi vào trường hợp khác. Lúc còn nhỏ, anh bị chứng tinh hoàn ẩn nhưng không ai hay. Đến năm 6 tuổi, gia đình đưa đi khám, phát hiện bệnh nên anh mới được phẫu thuật. Tuy nhiên, sau đó, tinh hoàn của anh bị teo. Bác sĩ cho hay, nhiệt độ ở vùng bụng làm các tế bào sinh tinh bị hỏng. Điều này đồng nghĩa, anh đã đánh mất cơ hội có con.
Sáu năm trước, anh Tr. kết hôn. Hai vợ chồng gõ cửa nhiều bệnh viện nhưng vẫn không có kết quả. Đến năm 2013, hai vợ chồng tìm đến bệnh viện Hạnh Phúc. Lúc này, bác sĩ vẫn khẳng định anh không có khả năng sinh tinh trùng. Tuy nhiên, bằng kĩ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ các mô tinh hoàn, bác sĩ đã tìm được tinh trùng của anh. Sau đó, bác sĩ bơm tinh trùng vào trứng, thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ thụ tinh được bảy phôi. Sau đó, lần đầu, bác sĩ đưa ba phôi vào tử cung cho vợ anh nhưng thất bại. Vài tháng sau, bác sĩ lại đưa bốn phôi còn lại vào tử cung. Lần này, may mắn đã mỉm cười, một bé gái lớn dần trong bụng vợ anh. Cả hai vợ chồng vui khôn xiết.
Vào ngày 16/8/2014, vợ anh đã sinh mổ, mẹ tròn con vuông. Con anh được 3,3 kg. Trong nhật kí kỉ niệm ngày con chào đời, anh Tr. viết: “Hiện, hai mẹ con đều khỏe. Vậy là vợ chồng em đã trải qua một quãng đường dài đầy lo lắng, hồi hộp, có niềm vui buồn, có cả nước mắt”. Được biết, vợ chồng anh quyết định đặt tên con là Thảo để tỏ lòng cám ơn vị bác sĩ đã mang đến hạnh phúc cho mình.
Bác sĩ Thảo cho biết, đến nay có 15 trường hợp bệnh nhân nam bị teo tinh hoàn sinh được con.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thảo (Khoa Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Hạnh Phúc) chia sẻ, từ trước đến nay, có 21 bệnh nhân nam tìm đến bệnh viện với hy vọng được thực hiện vi phẫu tìm tinh trùng từ tinh hoàn bị teo để sinh con. Qua vi phẫu, bác sĩ ở đây đã thực hiện thành công 15 trường hợp.
Tuy nhiên, bác sĩ Thảo cũng cho biết, kỹ thuật tìm được tinh trùng ở những trường hợp bệnh nhân nam bị teo tinh hoàn chỉ đạt ở mức 20% đến 60%. Đối với những bệnh nhân bị teo tinh hoàn phải dựa vào vi phẫu để tìm tinh hoàn từ mô tinh hoàn. Đối với những bệnh nhân tinh hoàn teo với thể tích chỉ còn từ 3 ml trở xuống thì không còn hy vọng.
Theo tìm hiểu, việc tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn đã được nước ngoài thực hiện hơn chục năm qua. Bác sĩ thực hiện vi phẫu này cần giàu kinh nghiệm. Riêng ở Việt Nam, vào năm 2010, bệnh viện Bình Dân cũng đã nghiên cứu và có báo cáo về việc này. Tuy nhiên, năm đó, việc tìm tinh trùng từ những người bị teo tinh hoàn chỉ để chứng minh y học tại Việt Nam cũng có thể làm được chứ chưa đưa vào ứng dụng.