Bộ phận dùng: Cây hẹ (cửu thái); hạt hẹ (cửu tử). Theo Đông y, cửu thái vị cay, tính ôn; vào can, vị, thận. Cửu tử vị cay, tính ôn; vào can thận. Cửu thái có tác dụng ôn trung hành khí, kiện vị, tán ứ giải độc, bổ thận tráng dương. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng ngực, nấc cục, nôn thổ, thổ huyết, niệu huyết, trĩ xuất huyết, bệnh tiểu đường, dị ứng nổi ban, liệt dương, di tinh. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và thân hẹ chữa ho trẻ em, hen suyễn, giun kim, lỵ amíp, tiêu hóa kém. Hạt hẹ (cửu tử) có tác dụng bổ thận tráng dương ích tinh. Dùng cho các trường hợp liệt dương di tinh, di niệu, đau lưng do lạnh, đau mỏi lạnh chân, huyết trắng đới hạ.
Hẹ được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
+ Nam giới thận hư, di mộng tinh, phụ nữ bạch đới: hạt hẹ ngâm giấm, rang khô, tán bột; dùng mật ong làm hoàn, viên bằng hạt đậu. Ngày uống 3 – 5g, uống vào lúc đói với rượu nóng.
+ Rượu bổ dùng cho nam giới: hạt hẹ 40g, tằm đực khô 200g, dâm dương hoắc 120g, câu kỷ tử 40g, kim anh tử 100g, ngưu tất 60g, ba kích 100g, thục địa 80g, sơn thù 60g, mật ong 800ml, rượu 400 4 lít. Ngâm 20 – 30 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml. Tăng cường hoạt động sinh dục.
- Rau hẹ, hồ đào xào dầu vừng: rau hẹ 240g, hồ đào nhân 60g. Xào với dầu vừng, ngày ăn 1 lần, dùng trong 1 tháng. Dùng cho người đau lưng liệt dương.
- Cháo lá hẹ: lá hẹ tươi 60g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo gạo, khi cháo được, cho hẹ vào, thêm muối vừa ăn. Dùng cho bệnh nhân đau bụng tiêu chảy, liệt dương di tinh.
- Cháo hạt hẹ: hạt hẹ 200g, gạo lứt 300g. Tất cả nấu cháo, lọc gạn lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng cho bệnh nhân mệt mỏi suy nhược, di tinh, di niệu.
Kiêng kỵ: Sốt nóng viêm nhiễm lở ngứa, đau mắt đỏ đều không dùng
Theo Báo SK&ĐS
|