Hiếm muộn nữ
1. Do vòi trứng và viêm dính vùng chậu
Đây là bệnh lý gây hiếm muộn thường gặp nhất tại các nước đang phát triển. Vòi trứng là nơi diễn ra quá trình thụ tinh (trứng kết hợp với tinh trùng), bất kỳ một nguyên nhân nào làm vòi trứng không hoạt động được đều có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của người phụ nữ. Các bất thường này có thể gặp ở một hay cả hai vòi trứng. Tình trạng này có thể là hậu quả của các bệnh lý phụ khoa (viêm âm đạo, cổ tử cung, nhiễm trùng vùng chậu), tiền căn phẫu thuật ở vùng chậu… Các trường hợp có thể gặp là:
· Tắc vòi trứng
· Ứ dịch vòi trứng
· Viêm dính vùng chậu
2. Rối loạn phóng noãn
Bình thường hàng tháng buồng trứng người phụ nữ có một nang phát triển đến một kích thước nhất định thì xảy ra hiện tượng rụng trứng (phóng noãn). Khi buồng trứng đều đặn phóng noãn hàng tháng, nội tiết do buồng trứng tiết ra sẽ làm cho hiện tượng xuất huyết tử cung diễn ra theo chu kỳ hàng tháng (kinh nguyệt).
Rối loạn phóng noãn này thường dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc không hành kinh kéo dài. Đây là nhóm nguyên nhân được ghi nhận nhiều nhất ở các nước phát triển và là nhóm nguyên nhân đứng thứ hai sau tổn thương vòi trứng tại các nước đang phát triển. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của rối loạn rụng trứng là hội chứng buồng trứng đa nang. Các nguyên nhân khác có thể do hoạt động bất thường của nội tiết cơ thể, tâm lý, stress, tập thể thao quá mức hay bất thường cân nặng.
3. Lạc nội mạc tử cung
Là tình trạng các tuyến niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài lòng tử cung, vào những cơ quan trong ổ bụng, thường gặp nhất là ở buồng trứng. Lạc nội mạc tử cung có thể xuất hiện ở một hay hai buồng trứng, ngoài ra, có thể thấy ở những bộ phận khác trong ổ bụng. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nhiều nhất đến tiên lượng có thai của bệnh nhân. Sự hiện diện của khối lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng có thể ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng nang noãn của buồng trứng. Ngoài ra, các tổn thương lạc nội mạc tử cung cũng có thể là tác nhân gây nên những thay đổi trong cấu trúc giải phẫu của vòi trứng (dính, tắc…) và ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi.
4. Giảm dự trữ buồng trứng
Có thể gặp ở những phụ nữ lớn tuổi, lạc nội mạc tử cung, tiền căn phẫu thuật buồng trứng hay kích thích buồng trứng nhiều lần… Trong những nguyên nhân này, tuổi người phụ nữ là một yếu tố quan trọng. Từ năm 30 tuổi trở đi, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm nhẹ. Từ 35 tuổi trở đi, hoạt động buồng trứng của người phụ nữ bắt đầu suy giảm và tốc độ giảm sẽ gia tăng nhanh chóng từ 40 tuổi trở đi. Sau 40 tuổi, phần lớn phụ nữ không có khả năng có thai bình thường.
Hiếm muộn do nam
Bất thường hay gặp nhất (chiếm khoảng 90% các trường hợp hiếm muộn do nam) là bất thường tinh trùng. Bất thường có thể được biểu hiện ở số lượng tinh trùng ít hay tinh trùng giảm khả năng di động. Hình dạng của tinh trùng cũng có thể bị bất thường và là một trong những yếu tố góp phần quyết định trong việc lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân. Các bất thường nói trên có thể xuất hiện một cách đơn lẻ hay kết hợp cả ba yếu tố (tinh trùng ít, yếu, dị dạng).
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Việt nam cho thấy chỉ có chưa đến 30% các trường hợp đến khám hiếm muộn có tinh dịch đồ bình thường cả ba chỉ số nói trên. Cũng nghiên cứu này cho thấy có đến 10% trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch. Các bất thường về tinh trùng nêu trên có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân như bệnh lý thực thể (tinh hoàn ẩn, chấn thương tinh hoàn, dãn tĩnh mạch thừng tinh…), rối loạn hoạt động nội tiết trong cơ thể, bệnh lý miễn dịch, di truyền… hay cũng có thể do ảnh hưởng của lối sống, nghề nghiệp…
Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn có thể dẫn đến tình trạng hiếm muộn ở nam giới là rối loạn cương (dương vật không cương được, dẫn đến không xuất tinh), không xuất tinh hay xuất tinh ngược dòng. Các nguyên nhân của tình trạnh này có thể là một số bệnh lý nội khoa (tiểu đường, cao huyết áp…) hay tiền căn phẫu thuật niệu khoa. Các sang chấn tâm lý cũng là nguyên nhân thường gặp.
Tóm lại, hiếm muộn là một bệnh lý với nguyên nhân có thể đến từ cả người vợ lẫn người chồng, do đó, trong quá trình khám và điều trị phải có sự phối hợp của cả hai vợ chồng. Một điểm cần lưu ý là tuổi người phụ nữ là yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định phương án điều trị cũng như tiên lượng khả năng thành công của việc điều trị.
Theo ivfvietnam.net
|